Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]





Tác Giả



Lê QUỐC

Montreal, Canada



 




ĐI HAY VỀ




Tôi có một ‘‘thói quen không giống ai’’. Mỗi lần mùa thu nhuộm đỏ rừng phong, gió lạnh thổi xào xạc trên mấy ngọn thông già, bỗng dưng tôi nghe lòng thương nhớ cố hương... rồi đem thơ Nguyễn Bính ra đọc. Thiếu gì thơ sao không đọc mà đọc những vần thơ tiền chiến xa lắc xa lơ... Có lẽ nó thích hợp với con người ‘‘nhà quê’’ của tôi. Đọc ‘‘ Những bóng người trên sân ga’’ của Nguyễn Bính, bỗng dưng tôi suy nghĩ nhiều về những chuyến đi và về trong cuộc sống. Trong mợt kiếp người - có biết bao chuyến ra đi và cũng có nhiều chuyến trở về . Sinh ra đời... là bắt đầu một chuyến đi . Chết... là một chuyến đi sau cùng ...mà cũng là một chuyến về vĩnh viễn. Đi hay về ... đều có ý nghĩa riêng ,tình huống riêng của nó .

Đi... thường biểu hiện một tình huống biệt ly, chia cách : Tiễn chồng nhập ngũ. Chia tay người yêu đi lấy chồng. Gạt lệ bỏ mẹ già vượt biển tìm tự do. Đi .. là hình ảnh những cuộc chia ly bịn rịn, ‘‘ bàn tay nắm lấy bàn tay’’ ‘‘đôi mắt tìm đôi mắt’’... ở sân ga, bến tàu hay trên những chiếc thuyền con trong đêm tối.. Cũng có khi là hình ảnh hào hùng, thanh gươm yên ngựa , say sưa, ngất ngưởng của người chiến sĩ thời Trung cổ .. ‘‘ Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu.. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ’’ . Ra đi không hẹn ngày trở lại.

Về ...là một hành động quay lại , trở về nơi xuất phát . Thường hàm súc một trạng thái vui mừng,sung sướng . Về nhà, về quê , về cố hương, về thăm cha mẹ , về với gia đình ... Về ... thường phản ảnh một thực tại xum họp , một trạng huống mừng vui , hạnh phúc.

Thế nhưng - Không phải về là điều tất yếu của đi. Có những trường hợp đi... là đi luôn ...không trở về hay dù có miễn cưỡng trở về - cũng không tìm được hình ảnh năm xưa .. Mọi thứ đều đổi khác . Cảnh khác, người khác. Tương quan khác .Cuối cùng rồi cũng phải trở lại nơi mới vừa đi. Về như vậy ắt phải gọi là đi . Và đời người phải có một chuyến đi vĩnh viễn.Mà đi vĩnh viễn chính là lúc trở về. (Sinh ký, tử qui) Và đi ..không phải lúc nào cũng buồn thảm, và về lúc nào cũng vui mừng . Tùy từng cảnh ngộ ,mục đích của chuyến đi .. mà người trong cuộc có những buồn vui.., vinh quang hay tủi nhục.

ĐI

Chuyến ĐI của KINH KHA: Một chuyến đi lịch sử . Không vì danh lợi mà vì thiên hạ nước Yên ,vì cái chết để bảo vệ bí mật của Điền Quang và sự tự sát của tướng Phàn ô Kỳ để đưa thủ cấp giá ‘‘ngàn lạng vàng và cái ấp muôn nóc nhà’’cho Kinh Kha mang theo làm lễ vật ra mắt vua Tần và cái ân tình nồng hậu của Thái Tử Đan ,tráng sĩ Kinh Kha lãnh sứ mạng ra đi hành thích bạo chúa Tần thủy Hoàng. Ngày lên đường , toàn thể khách tiễn đưa đều mặc đồ tang , không nói một lời, im lặng cúi đầu làm lễ ‘‘Tổ đạo’’,uống rượu tiễn đưa . Bầu trời phủ một màn sương trắng đục. Gió rít lao xao trên bờ sông Dịch Thủy . Bỗng tiếng sáo Cao tiệm Ly vút lên bi thiết , nửa như gạt lệ tiễn đưa,nửa như giục giả bạn lên đường . Kinh Kha cất tiếng hát u uất, trầm thống, bi hùng :

‘‘Phong tiêu tiêu hề , Dịch Thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn’’

Dịch:

‘‘ Gió vi vút chừ , sông Dịch lạnh tê
Tráng sĩ ra đi, chừ không trở về ’’ (Nguyễn Hiến Lê dịch)

Lãnh sứ mạng ‘‘ngàn cân treo sợi tóc’’ - dù có hành thích được Tần Thủy Hoàng cũng không thể thoát khỏi rừng gươm giáo trùng điệp của quân Tần - Kinh Kha biết đi là đi tìm cái chết mà vẫn hiên ngang bước xuống thuyền ra đi .. không một lần quay mặt lại.

Một chuyến đi để lại tên tuổi ngàn đời cho hậu thế.

ĐI như vậy là đi vào lịch sử . Còn ĐI như Đơn Hùng Tín đời Đường bên Trung hoa - cũng là cái đi hào hùng , nặng tình non nước . Không biết Đơn Hùng Tín thiệt - mặt xanh râu rậm ra sao - chứ còn khi xem các nghệ sĩ cải lương trình diễn lớp nầy .. người nghe không khỏi vểnh tai,dựng tóc ..máu nóng chạy bừng bừng trong cơ thể . Đơn Hùng Tín lên ngựa ra đi quyết giết Đường thế Dân . Đơn phu nhân biết chồng đi là đi tìm cái chết nên ra cản đầu ngựa. Đơn Hùng Tín trợn mắt : ‘‘Ớ nầy phu nhân . Chữ tử sanh hữu mạng,câu vạn sự do Thiên .Vậy thì thôi chốn khuê phòng phu nhân hãy thủ phận thuyền quyên.. Còn nơi chiến địa là mồ chôn liệt sĩ , có chi mà bận lòng đó a phu nhân ’’. Đơn phu nhân nắm áo chồng cản lại .. Đơn Hùng Tín, râu tóc dựng ngược, rút đao cắt áo giáp, xô Đơn phu nhân té nhào ,rồi vung roi phi ngựa ra đi ...

Đơn thương độc mã, mãnh hổ nan địch quần hồ.. Đơn Hùng Tín sa cơ. La Thành - bạn kết nghĩa của Đơn Hùng Tín - (đã đầu Đường) - phụng mạng Lý Thế Dân xử trảm Đơn Hùng Tín nếu dụ đầu hàng không được. Trước giờ hành quyết .. các anh hùng kết nghĩa đệ huynh năm xưa là Trình Giảo Kim ,La Thành, (Tần Thúc Bảo về chưa kịp) dâng rượu tiễn biệt. Lời lẽ hào hùng , khí phách, thà ‘‘thọ tử bất ninh thọ nhục’’- Đơn Hùng Tín hất chén rượu , dõng dạc mắng La thành : ‘‘Tiền đồng tịch, kim bằng cộng lạc - hậu lâm nguy bất cố nghĩa đệ huynh.. Ha ha ha.. Ai thèm uống ly rượu của mầy ,cái thằng bất nghĩa ’’. Tần Thúc Bảo vừa bay ngựa đến pháp trường, cát bụi mù bay,quân đao phủ sắp ra tay hành quyết. Tần Thúc Bảo la lớn : ‘‘Hãy để ta cạn phân,đừng giết oan một trang hào kiệt.’’ Nhưng đã muộn.. ‘‘Thôi rồi ! một lưởi gươm đưa lấy mạng anh hùng . Nhị ca ơi ! Còn đâu nữa một đời ngang dọc ’’. Một lớp hát hùng tráng. Nghe mà cảm khoái đến máu trong người bừng bừng sôi sục. . Một chuyến đi bi hùng không thua gì chuyến đi của Kinh Kha .

Bên cạnh những sự ra đi đầy hào khí lại có những cuộc ra đi ngậm ngùi - người đi tan nát cõi lòng.. kẻ ở sụt sùi rơi lệ..

Trong tình yêu - có những cuộc chia tay tràn nước mắt :

Anh biết em đi chẳng trở về
Dặm ngàn liểu khuất với sương che
Em đừng quay lại nhìn anh nữa
Anh biết em đi chẳng trở về ... ( Thơ Thái Can )

Cũng có những tình yêu mù quáng điên cuồng . Biết là tội lỗi nên ra đi , để tránh gặp mặt người yêu.. như trong bức thư gửi cha Cao :

‘‘ Thế là hết ,thưa cha con đi mãi...
………………………………..
Tình yêu H. không một chút mờ phai
Dù cuộc thế có muôn ngàn biến đổi
Cha đã bảo tình con , tình tội lỗi
Thì thưa cha đây một trái tim đau
Kiếp nầy hai đứa chẳng gần nhau
Thì con tưởng kiếp sau còn chưa muộn.
……………………………
Buồn làm sao xe tang vào nghĩa địa
Để chôn đi một mối tình đẹp thiên thu
Và bên kia thế giới có con chờ
Như H. đến với hoa lòng trống trải.. ( Thư Tr. T. L gửi cha Cao. Bà LNA ghi theo ký ức)

Ra đi... để xa một mối tình tội lỗi .. tưởng là đi luôn nhưng đi không nổi..nên tìm cách trở về.. để xảy ra án mạng trong vụ án tình cách đây trên 40 năm tại Sàigòn. Thiếu tá H. dùng súng bắn chết tình địch, kết thúc một cuộc tình đẫm máu...

Tình trường có lắm chuyện ra đi buồn thảm. Nhưng đó là chuyện các thế hệ trước. Bây giờ thì khác xa. Không phải là đề tài hôm nay.

Những chuyến đi vì nước , vì tình , vì sinh kế .. vì bị vợ bỏ,bị chồng thôi - rồi chia tay, đường ai nấy đi .. - những chuyến đi vừa khởi sự .. những chuyến đi sau cùng... là chuyện xảy ra hằng ngày trong kiếp con người.

Thế nhưng - có một chuyến đi long trời lở đất , thế giới bàng hoàng, lương tâm nhân loại rúng động. Hằng triệu người ra đi, đi trong cái chết để tìm sự sống .. trốn chạy nô lệ để tìm Tự Do.. Đó là chuyến ĐI của hàng triệu người Việt Nam - bất chấp sự bắt bớ, hiểm nguy,chết chóc,tù đày... rời bỏ quê hương trên những chiếc thuyền mong manh .. vượt đại dương sóng gió hải hùng .. Nửa triệu người chết vì đói khát ,vì đắm thuyền, vì hải tặc giết chết quăng xác xuống biển hoặc giam cầm đến chết trên hoang đảo. Một số khác chết dần mòn ..vì bệnh tật ,vì tuyệt vọng không nước nào nhận cho định cư , tại các trại tị nạn. Một số tự tử để phản đối nhà cầm quyền sở tại sử dụng bạo lực bắt buộc trở về Việt Nam . Một sự ra đi vô tiền khoáng hậu - một thảm cảnh có một không hai của nhân loại . Nó đã trở thành một mảng lịch sử trong lịch sử Việt Nam và lịch sử di cư của thế giới ... Để vẻ lên cái hình ảnh của những người dân và những người trong chế độ cũ lúc đó, nhà văn Trần Quán Niệm viết một câu để đời :

‘‘ Bể thẫm đắm thuyền nhân,xác vùi bụng cá

Rừng sâu chôn cải tạo,xương bón cây rừng’’.

VỀ

Châu Kỳ trở về để nhìn ‘‘ Mây nước bơ vơ’’, để ‘‘mong tìm thấy người xưa..’’ .Nhưng rồi ‘‘ Nơi xưa , ôi ! giờ đây nát tan,đò vắng không người sang,thôn xóm trông điêu tàn’’. Người nghệ sĩ Châu Kỳ trở về quê xưa .. nhưng không nhìn thấy mẹ , cảnh vật lại tàn tạ, tiêu điều ! Chiều về - nhìn cánh chim bay, mà ông nghe lòng hắt hiu như ngọn gió heo may.. Một sự trở về buồn bã!

Cũng như Châu Kỳ - Hoàng thi Thơ trở lại ‘‘ Đường xưa lối cũ ’’ : ‘‘Khi tôi về,nghẹn ngào trong nắng,tuởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về . Nào ngờ mẹ tôi ra đi.. bên kia cuộc đời, không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ’’. Lại một sự trở về rơi nước mắt ! Đi là chia ly,buồn bã ! Về là xum họp, vui mừng ! Nhưng ở đây về lại buồn. Còn đi.. nhiều khi lại vui , tràn trề hy vọng cho cuộc sống tương lai . Cho nên - vui hay buồn tùy cảnh ngộ ,tùy tình huống . Nó thuộc tâm giới ,không thuộc cảnh giới.

Trở về của người tù cải tạo - nhất định là vui - vì còn sống sót,còn thấy được vợ con - không thể nói là không vui .Nhưng là một cái vui ngắn ngủi.. để rồi cái buồn dai dẳng,triền miên .. áo ạt kéo tới.. Tô thùy Yên được tha,trở về:

‘‘Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề ,vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ.
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay (Ta về Tô Thùy Yên)

Trở về gian nhà cỏ để : ‘‘Sống tàn đời kẻ sĩ tàn mùa’’, để nhìn tuổi già đi nhanh như một hòn đá tuột trên dốc thời gian:

‘‘Trên dốc thời gian hòn đá tuột
Lăn dài kinh động cả hư vô.’’

Và để giam mình trong

‘‘ Ba vách ,ngọn đèn xanh bóng lẻ
Ngày qua ngày cho hết đời ta ’’ (Hề! Ta trở lại gian nhà cỏ)

Cao Tần cũng có lúc ước mơ :

‘‘Sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động
Những hùm thiêng cựa móng thét rung trời
Và sông núi sẽ vươn mình trổi dậy
Và cờ bay trên đất nước xanh tươi ’’

Nhưng rồi cũng đành chôn vùi mộng ước trước tình thế ...Cuối cùng ,tự hỏi :

‘‘ Ta làm gì cho hết nửa đời ta ’’.

Trở về như văn hào Alexander Solzhennitsyn . Về để được hít thở cái không khí tự do ,để được viết những sự thật mình muốn .. để thấy ‘‘dĩ vãng của mình,của dân tộc không bị chối bỏ để tiếp nối nền văn học xứ sở ông đã bị đứt đoạn vì sức mạnh và trái tim mình không bị khóa kín, trái tim dân tộc không bị cắt bỏ.. ’’.

ĐI hay VỀ?

Những người Việt Nam lưu vong nơi hải ngoại thế hệ thứ nhứt phần lớn đã già cỗi. Lửa lòng đã tắt ngủm ! Trong số những người nầy ,có người muốn trở về đất mẹ để gửi nắm xương tàn . Số khác - người trung niên hay còn trẻ muốn mang áo gấm về làng ( Chục năm về trước ) . Có người về để kiếm vợ, mua bán làm ăn hoặc ăn chơi cho thỏa thích . Cũng có những Ông cụ trở về kiếm bồ nhí kiểu ‘‘ trâu già khoái gặm cỏ non’’, chút tiền già dành dụm mua nhà xây tổ uyên ương .. Khi về Mỷ,vợ không nhìn ,con khinh bỉ - trở lại Việt Nam thì hỡi ơi ! nhà, cửa đóng then gài - hỏi ra thì đã đổi chủ.. Còn nàng thì không phải ôm cầm mà ôm tiền bán nhà đi tìm trai khác trẻ trung ,tươi mát hơn. . Kể thì cũng ti nghiệp cho mấy cụ già ham của lạ !

Người Việt hải ngoại - sau hơn 30 năm - đã ổn dịnh cuộc sống . Nhà cửa , gia đình con cái mọc gốc rể tại đây - thẻ xanh,thẻ đỏ có đủ - có tiền già, tiền hưu mỗi tháng , chế độ y tế , thuốc men miển phí ... Cho dù có muốn trở về - cũng không trở về nổi... Trở về ,đất đâu để gửi nắm xương tàn ? Tiền đâu để sống ? Thuốc men đâu để cứu cái thân già ? Đất đai đã bị xâm chiếm vì chủ trương ‘‘ai ở trên đất nào thì làm chủ đất đó’’ - bất kể người chủ đất là người còn sống ngay tại mảnh đất của mình - hoặc vì nghèo mà phải bán cho nhà giàu mới .. hay đã bị phóng đường, bị trưng dụng ,nhà cửa dân Sàigòn những năm trước đã bị mua mắc,mua rẻ thời tiền ‘‘đổi mới’’ . Thật ra thì người ta chỉ cần đô la mình đem về chứ người ta đâu có cần con người - vốn đã đông đúc như kiến rồi ! Huống chi trở về mình là người xa lạ - là người ngoại quốc ngay chính trên quê hương của mình . Cho nên - dẫu có về rồi cũng phải trở qua . Vậy thì về Việt Nam bây giờ có nhiều người đã nói là đi Việt Nam và về Mỹ hay Canada,Pháp .Về bỗng trở thành đi . ĐI Việt Nam và VỀ Mỹ, Canada .

Và chuyến đi sau cùng của đời người là chuyến đi vĩnh viễn. Mà đi vĩnh viễn chính là trở về .Sống gửi ,thác về. Tấm thân tứ đại nầy là cát bụi , bây giờ trở về cát bụi. Nếu như ta tin vào sự luân hồi - trở về, biết đâu là bắt đầu một chuyến đi khác. Đi hay về . Sống hay chết... cứ tiếp diễn triền miên, không dứt .

Đi hay về - sống hay chết - là một định luật tự nhiên của kiếp người.







Mục Lục | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com